Thất bại đầu tiên Đảo chính quán bia

Khi trở lại, Hitler thấy các con mồi đã vuột khỏi tầm tay. Ông đã tự tin mà nghĩ lúc này đáng lẽ các "bộ trưởng" của ông ta phải tất bật lo chuẩn bị cho những nhiệm vụ mới, trong khi Ludendorff và Lossow phải vạch kế hoạch tiến về Berlin. Nhưng hầu như không có việc gì xảy ra. Ngay cả München vẫn chưa nằm trong tay lực lượng cách mạng. Röhm chỉ mới chiếm được doanh trại của Bộ Chiến tranh nhưng bỏ sót một số địa điểm chiến lược kể cả nhà bưu điện. Vì thế, tin tức về vụ bạo loạn được truyền đến Berlin và tướng Hans von Seeckt[4] truyền về lệnh cho quân đội ở Bayern phải trấn áp đám phản loạn.

Chỉ có vài sĩ quan cấp thấp và một số binh sĩ bỏ hàng ngũ vì ủng hộ Hitler và Röhm. Các sĩ quan cao cấp, dưới quyền Tướng von Danner, chỉ huy quân đội ở München, không những chuẩn bị tuân lệnh Seeckt mà còn thấy bất mãn vì cách Hitler đối xử với von Lossow. Theo quy củ của quân đội, một người dân thường chĩa súng vào một vị tướng đáng bị trừng phạt. Lúc gần sáng, quân đội đã tạo một vòng vây chung quanh lực lượng của Röhm đang chiếm đóng Bộ Chiến tranh.

Hitler và Ludendorff cùng đến gặp Röhm để xem xét tình hình. Röhm bị sốc mà thấy rằng ngoài mình ra, không có ai khác tham gia vào hoạt động quân sự nào để chiếm đóng những vị trí trọng yếu. Hitler cố gắng nối lại liên lạc với Lossow, Kahr và Seisser, nhưng không có kết quả. Poehner, cựu chỉ huy trưởng cảnh sát München và bây giờ ủng hộ Hitler, được phái đi cùng với Thiếu tá Huehnlein cùng với một toán quân SA đi chiếm tổng hành dinh cảnh sát, nhưng họ lập tức bị bắt giữ.

Riêng Gustav von Kahr, người cầm đầu chính quyền Bayern, đã lấy lại tinh thần và lòng dũng cảm. Ông ra lệnh đặt nhiều tấm pa-nô khắp thành phố, tố cáo nhóm phản loạn đã gây bạo động, và những lời tuyên bố của ba nhà lãnh đạo dưới sự đe dọa của nòng súng bây giờ không có hiệu lực. Đảng Quốc xã và lực lượng bán quân sự của họ bị giải tán.

Bộ tam đầu chế đã trở mặt với Hitler. Nền tảng cho cách mạng chính trị thành công – sự ủng hộ của quân đội, cảnh sát và nhóm chính trị đang cầm quyền – giờ đang tan rã. Ngay cả tên tuổi của Ludendorff bây giờ cũng không có hiệu lực tạo sự hậu thuẫn của quân đội. Hitler đề nghị vị tướng cùng ông ta rút ra ngoài thành phố để huy động sự hậu thuẫn của nông dân rồi tấn công München, nhưng ông này lập tức từ chối.

Hitler đã trù định một vụ bạo loạn, không phải là gây chiến tranh. Dù cho đầy phấn khích, Hitler vẫn tỉnh táo mà nhận ra rằng ông ta không có đủ thực lực để chống lại cảnh sát và quân đội. Ông ta muốn làm cách mạng cùng với quân đội, không phải chống lại họ. Dù có tính sắt máu trong những lời phát biểu và khi cầm súng uy hiếp tam đầu chế, ông ta không hề muốn những người cùng ghét bỏ nền Cộng hòa lại gây đổ máu với nhau.

Ludendorff cũng thế. Ông sẽ vui mà thấy Tổng thống Đức Friedrich Ebert và "bọn tay sai" bị treo cổ. Nhưng ông không muốn giết cảnh sát và quân đội – những người đã cùng ông chia sẻ tinh thần quốc gia.

Bây giờ, Ludendorff đề xuất với anh lãnh đạo Quốc xã đang lung lay tinh thần một kế hoạch mang chiến thắng đến với họ và tránh đổ máu. Ông tin chắc rằng binh sĩ và cảnh sát Đức – phần đông là cựu chiến binh – không bao giờ bắn một vị tướng huyền thoại đã từng chỉ huy họ đạt những chiến thắng trên các mặt trận. Ông và Hitler sẽ cùng với thuộc hạ tiến đến trung tâm thành phố. Ông tin rằng không những cảnh sát và quân đội không dám giết ông, mà còn sẽ quy thuận và chiến đấu theo mệnh lệnh của ông. Tuy còn hồ nghi, Hitler vẫn đồng ý. Dường như không có cách nào khác.